Bạn đã biết cách làm vịt nấu măng khô ngon như ở nhà hàng chưa? Hãy để ID Food.vn chia sẻ bí quyết chế biến món ăn này với nước dùng đậm đà, ngọt thơm, thịt vịt mềm mại và măng khô giòn dai hấp dẫn.
Nguyên Liệu Cần Chuẩn Bị
- Vịt ta: Chọn 1 con vịt ta tươi ngon, nặng khoảng 1 – 1,5kg.
- Măng khô: Chuẩn bị 100g măng khô chất lượng.
- Gừng tươi: 2 củ gừng tươi, thơm.
- Hành tím: Khoảng 3 củ hành tím.
- Hành tây: 1 củ hành tây to.
- Rau ăn kèm: Hành lá, rau mùi (ngò rí), rau răm, giá đỗ, và các loại rau thơm khác tùy thích.
- Gia vị: Muối, hạt nêm, nước mắm, và bột ngọt theo khẩu vị.
- Bún khô: 1kg bún tươi.
- Rượu trắng: 200ml rượu trắng để khử mùi hôi của vịt.
Cách làm vịt nấu măng khô chi tiết
Bước 1: Sơ Chế Nguyên Liệu
Hành tím: Bóc vỏ, rửa sạch. Sau đó, băm nhuyễn 1 củ, giữ nguyên 2 củ còn lại.
Hành tây: Lột bỏ lớp vỏ ngoài, để nguyên củ.
Gừng tươi: Rửa sạch, chia thành 2 phần. Một phần gừng đập dập để dùng khử mùi hôi của vịt, phần còn lại giữ nguyên để nướng thơm.
Nướng hành và gừng: Hành tím củ, hành tây, và gừng củ đem nướng cho thơm. Sau khi nướng, cạo sạch lớp vỏ cháy bên ngoài, rửa lại thật sạch.
Rau thơm: Lựa chọn phần ngọn và lá tươi, rửa sạch, để ráo nước. Chia một nửa rau thơm để ăn kèm với bún măng vịt, phần còn lại cắt nhỏ để rắc lên món khi dùng.
Bước 2: Sơ Chế Vịt
Sau khi mua vịt về, bạn cần cắt bỏ phần phao câu, rửa sơ qua với nước. Tiếp theo, chà muối hạt đều lên khắp bên trong và bên ngoài của vịt để làm sạch mọi chất bẩn. Tiếp theo, thoa đều gừng đập dập và rượu trắng lên toàn bộ con vịt, đặc biệt là những khu vực có lông măng.Sau đó, rửa vịt kỹ lưỡng vài lần với nước sạch. Đây là bí quyết giúp vịt không còn mùi hôi, đảm bảo món ăn sẽ thơm ngon hơn.
Bước 3: Sơ Chế Măng Khô Đúng Cách Để Đảm Bảo Sạch, Không Bị Đắng
Măng khô có đặc điểm giòn dai và hương thơm đặc trưng, nhưng để đảm bảo an toàn và giữ nguyên hương vị, cần sơ chế đúng quy trình. Chọn măng khô ngon, loại măng rừng nếu có thể, sau đó rửa sạch và ngâm qua đêm trong nước sạch hoặc nước vo gạo để măng nở đều và loại bỏ tạp chất. Trong quá trình ngâm, bạn có thể thay nước 1 – 2 lần để măng sạch hơn.
Sau khi ngâm đủ thời gian, rửa lại măng bằng nước sạch 2 – 3 lần rồi xé thành miếng vừa ăn. Đem măng luộc trong nước sôi khoảng 10 phút, sau đó vớt ra và xả ngay dưới vòi nước lạnh để nguội, rồi vắt ráo nước. Nhờ quá trình ngâm, rửa và luộc kỹ, măng sẽ loại bỏ được nhiều độc tố, trở nên sạch và mềm, giúp món ăn thêm ngon miệng.
Trên chảo nóng, phi thơm 1 muỗng canh hành tím băm, sau đó cho măng vào xào, nêm gia vị với 1/2 thìa cà phê muối và 1/2 thìa cà phê bột ngọt.
Bước 4: Làm nước dùng vịt nấu măng khô
Tiếp theo là luộc vịt để làm nước dùng. Cho vịt vào nồi lớn, thêm gừng, hành tím và hành tây đã nướng thơm. Đổ nước vào nồi sao cho ngập vịt và thêm 1 thìa cà phê muối, sau đó luộc trong khoảng 30 phút. Để kiểm tra độ chín, bạn có thể dùng đũa xiên vào phần đùi vịt; nếu không thấy nước đỏ chảy ra là vịt đã chín. Sau khi vịt chín, vớt ra và cho vào âu nước lạnh để thịt săn chắc và không bị thâm, sau đó chặt miếng vừa ăn.
Phần nước luộc vịt tiếp tục đun sôi, nêm thêm gia vị như muối, hạt nêm, đường và bột ngọt theo khẩu vị. Bạn có thể vớt bỏ hành tím, hành tây và gừng, sau đó thêm măng khô đã xào vào, đun sôi và sẵn sàng phục vụ.
Trình Bày và Thưởng Thức
Chỉ với vài bước đơn giản, bạn đã có thể hoàn thành món bún măng vịt măng khô. Đặt bún tươi vào tô, xếp thịt vịt lên trên, thêm hành lá và rau thơm cắt nhỏ, rồi chan nước dùng cùng với măng khô lên trên và sẵn sàng thưởng thức. Nước dùng ngọt thơm, thịt vịt mềm, măng khô giòn dai, thêm chút tiêu xay sẽ khiến món ăn trở nên đặc biệt hấp dẫn.
Bí Quyết làm vịt nấu măng khô ngon nhất
Chọn vịt ta có trọng lượng khoảng hơn 1kg để đảm bảo thịt ngọt thơm, không bị bở. Luộc vịt vừa chín tới để giữ được chất dinh dưỡng và hương vị. Luộc măng khoảng 10 phút kể từ khi nước sôi; bạn có thể luộc măng 2 lần để loại bỏ hoàn toàn vị đắng. Khi nấu nước dùng, thêm xương heo hoặc củ cải trắng để nước ngọt hơn, và thường xuyên vớt bọt để nước trong hơn.
Viết bình luận